Bổ sung một số vấn đề vào chương này, chúng tôi cho là hợp lý cả với đối tượng học và đảm bảo được tính logic trong khoa học. Riêng đối với thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian của các tộc người trên thế giới, V.A. Vakhrameev đã chỉ ra: “trong âm nhạc dân gian cũng như cổ điển, có thể gặp các điệu thức khác ngoài điệu trưởng và điệu thứ”. V.A. Vakhrameev còn khẳng định thêm: Âm nhạc cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác đã hình thành không giống nhau ở các dân tộc trong quá trình phát triển nhiều thế kỷ. Những điệu thức ta thường gặp trong sáng tác âm nhạc dân gian cũng như những điệu thức đã bắt rễ sâu xa đã được công nhận trong hoạt động âm nhạc thế giới, đều hình thành dần dần. Ta biết có những bài dân ca được xây dựng chỉ bằng hai hoặc ba âm. Thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian Việt Nam rất đa dạng và phong phú, mỗi tộc người ở những vùng miền khác nhau đều có những điểm khác và giống nhau. Vấn đề và thang âm điều thức, chúng tôi sẽ dựa vào chương 6 của cuốn Lý thuyết âm nhạc cơ bản của Trịnh Hoài Thu (chủ biên) xuất bản 2014 làm cơ sở để điều chỉnh nội dung trong chương trình dạy môn Nhạc lý cơ bản.
Có lẽ còn nhiều vấn đề khác cần phải điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng sinh viên ngành nhạc tại Trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số điểm mấu chốt như trên, vấn đề còn lại sẽ có những điều chỉnh cụ thể trong quá trình dạy học (chẳng hạn các ví dụ của từng vấn đề lấy bài hát nước ngoài hoặc bài hát Việt Nam) hay sau này viết giáo trình.
Cách giải thích như trên không có tính nhất quán, bởi tên gọi của hợp âm là phụ thuộc vào quãng do hai âm ngoài cùng quyết định: Hợp âm bảy, hai âm ngoài cùng của hợp âm là quãng 7; hợp âm chín, giữa hai âm ngoài cùng là quãng 9… mặt khác, các loại hợp âm này chủ được sắp xếp theo quãng 3 .