Tìm hiểu về âm nhạc: Những tác phẩm của Vũ Đức Sao Biển

Những tác phẩm của của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nổi tiếng như “Thu hát cho người”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Đau xót lý chim quyên”, “Điệu buồn phương Nam”…  Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trút hơi thở cuối cùng vào 23 giờ 25 phút ngày 6/5/2020, hưởng thọ 73 […]

Những tác phẩm của của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nổi tiếng như “Thu hát cho người”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Đau xót lý chim quyên”, “Điệu buồn phương Nam”… 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trút hơi thở cuối cùng vào 23 giờ 25 phút ngày 6/5/2020, hưởng thọ 73 tuổi.

Vậy là, người nhạc sỹ tài hoa đã “đứt dây đàn thiên thu” như lời trong bài hát “Điệu buồn phương Nam” của ông.

Người con tài hoa xứ Quảng: Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1947, tại Quảng Nam.

Ông có tình yêu với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Những năm tháng tuổi thơ lớn lên trong cái nôi văn hóa đặc sắc của xứ Quảng, thấm nhuần nét văn hóa đặc trưng đất Quảng. Lớn lên, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp Đại học, ông xuống Bạc Liêu dạy học. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1975 cho đến cuối đời, Vũ Đức Sao Biển hoạt động trên lĩnh vực báo chí và sáng tác ca khúc. Ông có gần 40 đầu sách đã được xuất bản và sáng tác trên 60 ca khúc.

Trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển được nhiều người biết đến ông là tác giả của nhiều ca khúc viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước như: “Thu hát cho người”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Đau xót lý chim quyên”, “Điệu buồn phương Nam”, “Trên đồi xưa”, “Trở lại Bạc Liêu”, “Trên sóng Cửu Long”, “Huyền thoại Ngũ hành sơn”…

Là người con xứ Quảng nhưng người nhạc sỹ tài hoa này lại có rất nhiều sáng tác thấm đẫm tình cảm với mảnh đất Nam Bộ. Nhiều ca khúc của ông gắn bó mật thiết với những làn điệu dân ca và nghệ thuật đờn ca tài tử. Những tác phẩm âm nhạc mang đậm âm hưởng dân ca của ông dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi giai điệu mượt mà, buồn da diết nhưng cũng vô cùng lãng mạn, đầy chất trữ tình, sâu lắng và có sức lan tỏa rất lớn.

Không chỉ sáng tác âm nhạc, Vũ Đức Sao Biển còn là nhà văn, nhà báo. Ông là thành viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Ông từng cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng với nhiều bút danh: Vũ Đức Sao Biển, Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại… Ông viết báo ở nhiều lĩnh vực như chính sự, xã hội, tòa án. Đặc biệt ông là cây bút của Tuổi Trẻ Cười với bút danh Đồ Bì được nhiều bạn đọc mến mộ. Ông còn là tác giả của nhiều thể loại, từ sách biên khảo, tiểu phẩm trào phúng, tiểu thuyết, bút ký…

Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển còn được gọi là “Nhà Kim Dung học Việt Nam”. Ông đặc biệt “mê” truyện chưởng của Nhà văn Kim Dung. Ông đã đọc, nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm về Kim Dung, đã xuất bản bộ “Kim Dung giữa đời tôi” được bạn đọc yêu mến, ủng hộ…

Nhạc Sỹ Vũ Đức Sao Biển là Một con người nhân hậu

Trong ký ức của bạn bè, đồng nghiệp, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển là một con người  tài hoa nhưng sống hiền lành, giản dị, khiêm tốn được mọi người trân trọng, nể phục và yêu mến. Với thế hệ trẻ, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển là một người thầy, đáng kính đầy tài năng và tâm huyết…

Đánh giá về Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sỹ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho rằng, Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển là một trong những nhạc sỹ sinh viên thời kỳ đầu với nhiều tác phẩm rất nổi tiếng trước giải phóng như “Quê hương đứng dậy”, “Thu hát cho người”… Sau này, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển nổi tiếng với những bài hát mang nặng âm hưởng dân ca Nam Bộ như “Đau xót lý chim quyên” hay “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”… Những tác phẩm âm nhạc của ông đã đóng góp rất lớn và có ý nghĩa cho sự phát triển chung của nền âm nhạc nước nhà.

Nhạc sỹ Trần Long Ẩn kể, năm 1974, khi ông đang ở Hà Nội cùng nhạc sỹ Văn Dung thực hiện chương trình “Tiếng hát gửi vào Nam”, ông đã biên tập và dàn dựng bài “Quê hương đứng dậy” của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát do nghệ sỹ Trung Kiên và nghệ sỹ Quý Dương song ca rất hay, rất xúc động. Sau ngày giải phóng, nhạc sỹ Trần Long Ẩn gặp lại nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, người nhạc sỹ xứ Quảng đã chia sẻ, ông rất xúc động khi được nghe bài hát của mình được vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở khía cạnh cuộc sống, nhạc sỹ Trần Long Ẩn đánh giá, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển là một con người nhân hậu, sống chân thành, gần  gũi với bạn bè. Ông luôn vui vẻ, hay nói đùa, nói giỡn với mọi người và đặc biệt là ông rất lạc quan yêu đời, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

“Là người thầy, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh, giáo dục lòng yêu nước, yêu văn học nghệ thuật… Ông là một tấm gương tốt về người thầy dạy học, một nhà báo và một nhạc sỹ, một dịch giả tài năng…”, nhạc sỹ Trần Long Ẩn nói.

Sự ra đi của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp, cho học trò và những người yêu mến ông. Âm nhạc Việt Nam lại mất đi một tài năng, nhưng mọi người đều tin rằng, những tác phẩm của ông vẫn còn mãi với thời gian, sống mãi trong lòng khán giả nhiều thế hệ.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: http://guitartaylor.com/nhung-tac-pham-cua-vu-duc-sao-bien.html